Địa lý Thế_giới_Ả_Rập

Thế giới Ả Rập có diện tích trên 13 triệu km², gồm Bắc Phi và một phần Đông Bắc Phi và Tây Nam Á. Phần thuộc châu Á của thế giới Ả Rập gọi là Mashriq. Algeria, Maroc, Tunisia, Libya và thường là cả Mauritania được gọi là Maghreb hay Maghrib, còn Ai Cập và Sudan được gọi là thung lũng Nin, Ai Cập là một quốc gia liên lục địa do bán đảo Sinai thuộc về châu Á.

Thuật ngữ "Ả Rập" thường có nghĩa là Trung Đông, song Bắc Phi là phần lớn hơn và đông dân hơn trong thế giới Ả Rập. Phần này có diện tích tám triệu km², với Algeria (2,4 triệu km2) và Sudan (1,9 triệu km2). Quốc gia rộng lớn nhất tại phần Trung Đông Ả Rập là Ả Rập Xê Út (2 triệu km2). Quốc gia Ả Rập nhỏ nhất trên lục địa Bắc Phi và Trung Đông là Liban (10.452 km2), còn quốc gia Ả Rập nhỏ nhất là Bahrain (665 km2).

Mọi quốc gia Ả Rập đều có giáp biển, ngoại trừ vùng Ả Rập tại miền bắc Chad. Iraq gần như không giáp biển do chỉ có một lối tiếp cận rất nhỏ ra vịnh Ba Tư.

Biên giới chính trị của thế giới Ả Rập tạo ra các cộng đồng thiểu số Ả Rập trong các quốc gia phi Ả Rập tại vùng SahelSừng châu Phi cũng như tại Síp, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran; song cũng tạo ra các cộng đồng thiểu số phi Ả Rập trong các quốc gia Ả Rập. Tuy nhiên, địa lý cơ bản về biển, hoang mạc và núi tạo ra biên giới tự nhiên bền vững cho khu vực.

Phần thế giới Ả Rập thuộc châu Phi bao gồm toàn bộ phần phía bắc của lục địa này. Bộ phận này giáp với biển ở ba phía là tây, bắc và đông, và giáp với hoang mạc hoặc đất bụi hoang mạc ở phía nam. Đường bờ biển giáp Đại Tây Dương dài khoảng 2000 km. Nouakchott là thủ đô cực tây của thế giới Ả Rập và nằm trên rìa Đại Tây Dương của Sahara.

Phần thế giới Ả Rập thuộc châu Á gồm có bán đảo Ả Rập, hầu hết Levant (ngoại trừ Síp và Israel), hầu hết Lưỡng Hà (ngoại trừ các phần thuộc Thổ Nhĩ Kỳ và Iran) và vùng vịnh Ba Tư. Bán đảo Ả Rập gần giống với một hình chữ nhật nghiêng về bờ biển Đông Bắc Phi, có trục hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.